Mặt trời và Mặt trăng – ánh sáng và sự sống

The “Lights” 

Dịch từ nguồn: http://www.khaldea.com/rudhyar/pofa/pofa_5.shtml

Nếu nói vòng hoàng đạo như là “các lĩnh vực hình thành cuộc sống”, trong đó Mặt trời vận hành như nguồn gốc của mọi quá trình sống, thì vẫn chưa tiết lộ đầy đủ đặc tính thiết yếu trong hoạt động của thiên thể này. Những gì mà Mặt trời phát ra, không phải “sự sống” mà là “ánh sáng”, đó là năng lực tạo ra những hiệu ứng rõ ràng trong mọi khía cạnh mà ánh sáng mặt trời chạm tới. Những hiệu ứng này có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Và khi chúng ta trải nghiệm chúng, trên mặt đất này, chúng thuộc về 3 loại cơ bản. 

Đầu tiên, ta có thể nói về ánh sáng Mặt trời và khả năng soi rọi, làm lộ ra bộ dáng, hình dạng, màu sắc của các vật chất, cơ thể và vật thể. Đây là ảnh hưởng trực tiếp nhất (hoặc được nhận biết một cách trực tiếp nhất) của hoạt động Mặt trời đối với con người, cũng như các sinh thể khác. Sau đó, còn có sức nóng Mặt trời sưởi ấm mọi thứ, khiến sự tồn tại của mọi sinh thể sống có thể diễn ra. Tuy nhiên, nhiệt không phải là sản phẩm trực tiếp của hoạt động Mặt trời. Thực tế, không hề có nhiệt trong không gian, và sự tạo ra nhiệt phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của các vật chất mong manh bao quanh bề mặt Trái đất.

Các khu vực bao quanh địa cầu rắn chắc của chúng ta – vùng chứa không khí, những đám mây, các tầng ion hóa trên tầng bình lưu – được đặt tên bởi các nhà thiên văn-chiêm tinh cổ đại – là vùng cận nguyệt (sublunar – vùng dưới mặt trăng, hoặc ở giữa Trái đất và Mặt trăng). Ở lãnh địa đó, Mặt trăng quản những gì tối cao, và bằng sự kiểm soát của nhiệt (và thậm chí nhờ cường độ ánh sáng) qua không khí ẩm và những đám mây, Mặt trăng được hiểu là có quyền chi phối sự hình thành và sự thăng trầm (tidal flow) của sự sống. Sự thống trị này đặc biệt hiệu quả vào buổi bình minh của cuộc sống trên trái đất, khi bề mặt trái đất được bao phủ trong một lớp mây mù dày đặc, kín mít. Sau đó, ánh sáng đã phải xuyên qua lớp vỏ dày đặc tạo bởi Mặt trăng này, và vì vậy, chỉ có thể được trải nghiệm một cách gián tiếp, thông qua khu vực trung gian của mặt trăng và các thế lực của mặt trăng.

Một thời gian sau, vào những ngày đầu thời đại của người Atlantis trong truyền thuyết, lớp sương mù che phủ vỡ ra, hình dáng Mặt trời có thể được nhìn một cách trực tiếp, như một nguồn ánh sáng xịn xò, Mặt trăng theo đó cũng xuất hiện vào bầu trời đêm quang đãng, thi thoảng lại thay hình đổi dạng – khiến người nguyên thủy cảm thấy rất đỗi hoang mang. Thế rồi, tính nhị nguyên của ánh sáng Mặt trời và Mặt trăng trở thành nền tảng cơ bản của chiêm tinh học thuở sơ khai, cũng như mọi thần thoại và lý luận về vũ trụ. Hai dạng cơ bản của hoạt động vũ trụ dần được công nhận: Hoạt động của mặt trời trở thành dấu hiệu của “tinh thần” sáng tạo, hoạt động của mặt trăng gắn với sự hình thành và phân rã của “sự sống” các sinh thể trên trái đất.

Tinh thần mặt trời là đối cực của vật chất-năng lượng, và các cung hoàng đạo chỉ ra 12 kiểu cơ bản mà trong đó thứ vật chất-năng lượng phổ quát và biến đổi này được phân cực bởi hoạt động mặt trời. Trong chiêm tinh, Mặt trăng tự nó không liên quan trực tiếp với vật chất – các electron, nguyên tử và phân tử – mà là với sự hình thành các sinh thể, các loài, chi và chủng tộc. “Sự sống” là thế lực tạo ra các cấu trúc hữu cơ đặc trưng, cho chúng khả năng thích nghi với môi trường tương ứng. Một số triết gia ngày nay gọi quyền năng này là “sự tiến hóa sáng tạo”. Thời xưa, người ta cho đó là thần Mặt trăng tối cao Demiurge (Jehovah trong thuyết Ngộ đạo), người xây dựng vũ trụ vật chất của các cơ thể sống.

Hiểu biết rõ ràng về các giá trị cơ bản thể hiện bởi mặt trời và mặt trăng là điều thiết yếu với giới chiêm tinh. Sự hiểu biết này phải bao gồm sự hiểu biết triệt để về quá trình lịch sử đã dẫn dắt nhân loại thiết lập cơ sở cho các biểu tượng này, như một kết quả từ tổng hòa kinh nghiệm của mình. Nó cũng nên bao gồm nghiên cứu tâm lý về quyền năng tạo ra bởi hai “hình ảnh nguyên thủy” vĩ đại này – mặt trời và mặt trăng như nguồn của “ánh sáng” và “sự sống” – trong vô thức tập thể của loài người. Chỉ trên cơ sở đó, chiêm tinh mới có thể thực hiện công việc của mình, là hợp nhất cá nhân, bằng cách cho phép cá nhân trưởng thành hấp thu và biến mình thành năng lượng vũ trụ đích thực tiềm ẩn trong nhân tính chung của loài người – trong bản chất con người.

Mặt trời – tiềm năng của Sự sống và Cá tính 

Các tia sáng Mặt trời là điều kiện của cả sự sống cũng như cái chết. Chúng tạo khả năng cho sự sống hình thành; nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ, trừ khi liên quan mật thiết với một số yếu tố khác. Tương tự, ánh sáng Mặt trời ám chỉ tiềm năng của tầm nhìn và ý thức; nhưng, trừ khi các cấu trúc hữu cơ đặc biệt được chế tạo để tiếp nhận những tia sáng này, ta sẽ không tài nào nhìn thấy được. Hoạt động năng lượng Mặt trời lan rộng ra trong không gian, một cách hững hờ và rộng khắp. Nó khuấy động mọi thứ nó chạm vào, miễn là ở đó có cơ quan có khả năng hấp thụ, tiêu hóa và tách bạch nó ra để sử dụng. Vì thế, có thể so sánh Mặt trời với nhiên liệu giúp đốt nóng và làm động cơ hoạt động; nếu một người được sinh ra với Mặt trời Kim Ngưu, thì “động cơ” của cơ thể và tâm lý (tính cách tổng thể) của anh ta sẽ chủ yếu hoạt động bằng cách tiêu thụ loại năng lượng tâm-sinh lý (hoặc “nhiên liệu”) kiểu Kim Ngưu.

Loại nhiên liệu tốt nhất thường sẽ không giúp cải thiện hiệu suất của một động cơ được xây dựng kém, bị lỗi hoặc mòn vẹt; mà trái lại, lại có xu hướng đẩy nhanh quá trình hỏng hóc, hư hao, hoặc khiến động cơ nổ tung. 100% khí octan chỉ là tiềm năng của tốc độ (T/N: xăng có chỉ số octan cao được coi là xăng chất lượng tốt, nhưng cũng vì thế mà sinh công nhiều hơn, dễ phát nổ và khiến động cơ hư hại). Nó trở thành nguồn gốc của tốc độ thực tế chỉ khi ta xây dựng được một động cơ kháng có công suất cao để giải phóng năng lượng.

Tương tự, vị trí của Mặt trời trên lá số không hề đảm bảo gì cho nhân cách thực, mà chỉ định nghĩa một loại tiềm năng nhất định của tính cách. Và ở phương diện tâm lý, tâm thần, hay “tinh thần”, Mặt trời cũng chỉ đề cập đến năng lực phát triển một loại tự ngã đặc biệt, dựa trên một loại mục đích cụ thể. Uy lực của mục đích đó, khi nó “rót” nhân cách vào hành động cụ thể (realization – biến cái gì đó thành hiện thực, cũng là nhận thức), là cái chúng ta gọi là “ý chí”. Mặt trời đại diện cho bản thân (self), mục đích và ý chí của một người – nhưng chỉ trong trạng thái tiềm ẩn hoặc không phân biệt, như “tiềm năng” tinh thần và nguồn năng lượng-vật chất trinh nguyên nhất. Hiệu suất thực tế sẽ có được khi ta nắm bắt được năng lượng-vật chất này, chuyển hóa nó vào một hoạt động dao động đơn giản với các pha đầy lên và thu hẹp (waxing & waning), hoặc vào một số loại hoạt động nhóm phức tạp hơn. Cách đầu tiên chính là hoạt động của Mặt trăng (khi tròn, khi khuyết). Còn cách thứ hai, là chuyển năng lượng vào các chu kỳ tổng hợp của tất cả các hành tinh trong hệ Mặt trời.

Mặt trăng – Người xây dựng các cấu trúc của sự sống và ý thức

Sự sống, như ta thường gọi, là năng lực của cơ thể sống nhằm duy trì, tái tạo các đặc tính cấu trúc và nhịp điệu chức năng của nó. Năng lực này hoạt động theo loài, chứ không phải chỉ riêng cá nhân, và chủ yếu là một nhân tố vô thức. Nó vận hành, trong mọi giai đoạn phát triển tiến bộ, thông qua loại hình lưỡng nghi phân cực (polar dualism) mà có thể gọi là “giới tính” – đây là cách dùng theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này. Tính nhị nguyên được thể hiện đặc biệt rõ nét trong chiêm tinh học bằng biểu tượng của hai ánh sáng – mặt trời và mặt trăng. Mặt trời là nguồn tạo sinh khí, sự màu mỡ; Mặt trăng đại diện cho đầu cực tiếp nhận và sinh sôi, đặc trưng bởi đặc tính hay thay đổi, dao động của mình.

Chức năng chủ yếu của Mặt trăng là xử lý nhiệt năng mặt trời và sử dụng nó cùng lúc với độ ẩm. Sự sống hữu cơ phụ thuộc vào sự tương tác phân cực giữa hai yếu tố này. Độ “ẩm” của vùng cận nguyệt (sub-lunar) xung quanh địa cầu rắn chắc hấp thụ năng lượng mặt trời (nhiệt), và khi nhịp điệu thủy triều của Mặt trăng hoạt động, năng lượng mặt trời này được phân bố qua vật chất sẵn có trên trái đất; và nhu cầu về sự sống của trái đất được hoàn thành bởi sự hình thành các tế bào và cơ thể.

Cách lý giải này về sự sống trên trái đất này có vẻ không hề khoa học chút nào, nhưng đó là cách truyền thống của ngôn ngữ biểu tượng chiêm tinh, và là điều rất quan trọng. Nó áp dụng được trong cả lĩnh vực tâm lý-tâm thần của con người cũng như vật lý-sinh học thuần túy. Mặt trăng, ở khía cạnh tinh thần, đại diện cho phần “ướt át” trong bản chất bên trong con người; nói cách khác, chính là nhân tố sinh ra cảm xúc. Và chính từ các cấu trúc xây dựng bằng cảm xúc này, ý thức về cá tính cá nhân xuất hiện… đó có thể là điều tốt, mà cũng có thể là điều xấu.

Điều tôi vừa viết có thể gây bối rối với những người đã được dạy cho niềm tin rằng nhận thức và bản ngã là bản chất của lý trí. Tuy nhiên, niềm tin như thế không hề dựa trên nền tảng nhị nguyên – mà nói đúng ra là, nền tảng của cuộc sống. Trong địa hạt đó, tất thảy đều dựa vào tính nhị nguyên phân cực của hoạt động mặt trời và mặt trăng. Tại đây, “trí óc” là năng lực thích nghi để trải nghiệm; và thật ra nó là sự mở rộng và phát triển trừu tượng của khả năng cảm xúc – chính là khả năng tạo ra các cấu trúc nhận thức, mà cái tôi (bản ngã) là cấu trúc cơ bản nhất. Do đó, trong chiêm tinh, có sự kết nối giữa Mặt trăng và cái tôi, bản chất “âm tính” và hành vi “cá nhân” của con người. Nhìn nhận từ góc nhìn này, các phức cảm tâm lý giống như các cấu trúc ý thức do Mặt trăng quy định; chúng liên quan mật thiết đến nỗi thất vọng hay sự áp chế của bản năng (trong dòng chảy nhịp điệu hữu cơ của bản năng), đặc biệt là những gì liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các chức năng tình dục.

Cảm xúc là biểu hiện tâm lý của bản năng sinh học, mà thật ra là sóng và xoáy nước trong dòng chảy thủy triều của các lực mặt trăng hành động dựa trên “độ ẩm” trong cơ thể và tinh thần con người. Trong chiêm tinh học, dòng chảy thủy triều này được biểu trưng bởi chu kỳ tuần trăng và các pha của Mặt trăng. Không nên hiểu các pha này là các thay đổi trong chính bản thân Mặt trăng với tư cách 1 thiên cầu – chúng là các thay đổi trong mối quan hệ của Mặt trăng và Mặt trời.

Tuần trăng định lượng các trạng thái khác nhau của thủy triều và các luồng nhiệt Mặt trời bên trong “vùng ẩm” của mặt trăng, sự mở rộng và co lại của các lực sinh sản. Các lực này tạo ra (hoặc xây dựng) các cấu trúc tâm lý cũng như sinh học. Chúng sinh ra bản ngã (một cấu trúc của ý thức sinh ra từ những cảm xúc cá nhân) cũng như sự cân bằng tinh tế của các tuyến nội tiết trong cơ thể, một sự cân bằng dựa trên các mẫu xác định (mặc dù thay đổi) trong “cơ thể mặt trăng” của cá nhân (tức thể vía, theo ngôn ngữ của huyền học).

Cảm xúc là phản ứng của toàn bộ cơ thể sống với các trải nghiệm của con người, cả bên trong và bên ngoài. Và về cơ bản, đầu tiên, các cơ quan vận hành nhờ mọi dòng chảy trong cơ thể, máu và bạch huyết, cũng như tất cả các chất bài tiết. Người ta nói, phần lớn cơ thể người là nước. Mọi sinh vật sống đều sinh ra từ biển cả (T/N: các từ nguyên thủy, khởi thủy, thủy tổ đều có bóng hình của nước <thủy> trong đó); và biển cả là nguồn chứa bao la các chất nguyên thủy, không phân biệt mà từ đó, tất cả các sinh thể, các cấu trúc hữu cơ tương đối riêng biệt khởi sinh. Do đó, nó (biển cả) là biểu tượng của Vô thức tập thể, bể chứa trong đó nguồn gốc của mọi nhân tố và phản ứng thông thường của con người – và chúng cũng có thể trở lại nơi ấy, như những ký ức và hình mẫu bản năng “ngập nước”. Tương tự, bản chất bên trong con người phần lớn là cảm xúc; những xúc cảm này làm nên nhân tố “lỏng” (độ ẩm hoặc nước) – là biển, hồ, sông, giếng – trong ý thức và bản ngã cá nhân. Sự phát triển của văn hoá, văn minh và mọi dạng thức trao đổi chính của con người, thương mại và du lịch, phụ thuộc vào sự hiện diện và cách sử dụng nước của nhân loại; tương tự, phản ứng tâm lý, hình ảnh tinh thần và các cấu trúc tư tưởng của cá nhân được sinh ra từ cảm xúc. Chúng được truyền đi nhờ một trạng thái quan trọng, thông qua những cảm xúc được xây dựng 1 cách có ý thức (các biểu tượng và từ ngữ có thể khơi dậy những phản ứng và cảm xúc hữu cơ của con người).

Mặt trời cung cấp xung động ban đầu, nhịp điệu sinh sôi, “tinh thần chung” (tone). Tiếp đó, năng lượng mặt trời trả lời cho nhu cầu của trái đất và mọi vật chất khác, như tàn tích còn lại của quá khứ, khát khao một lần nữa trải nghiệm sự vẹn toàn cả về vật chất và tinh thần. Nhưng những chất liệu non nớt này không *chưa* thể tiếp nhận trực tiếp sức mạnh của Mặt trời, hay tầm nhìn và ý tưởng sáng tạo xuất phát từ đấng sáng tạo (nguồn tinh thần – spiritual source). Do đó, nhiệm vụ của Mặt trăng là tiếp nhận sức mạnh dồi dào từ Mặt trời khi trăng mọc, và qua chu trình đầy lên (waxing) của tuần trăng, xây dựng các công cụ và cơ quan có khả năng tiếp nhận và lưu giữ xung lực, ý tưởng, hay mục đích của Mặt trời. Có thể hình dung, sự tiếp nhận này xảy ra vào lúc trăng tròn, khi đĩa Mặt trăng phản chiếu đầy đủ hình dáng Mặt trời. Sau đó, khi ánh sáng của Mặt trăng biến mất, ánh sáng này được hấp thụ bởi các sinh vật trái đất; quá trình hiện thực hóa ý tưởng và mục đích của Mặt trời trở thành một phần của những người, những bộ óc đã nhận được chúng vào lúc trăng tròn. Họ đồng hóa chúng, biến chúng thành các khái niệm và tư tưởng; họ rút ra điều gì đó từ ý nghĩa của chúng. Và ý nghĩa này được đưa vào hệ thống thông qua ngôn từ và biểu tượng – thứ được dùng để dệt nên ý thức về nền văn minh nhân loại, hoặc, trong cuộc sống của cá nhân trưởng thành, có tinh thần tiến hóa, nền tảng của “cơ thể tinh thần” bất tử của anh ta, vượt lên khỏi cái chết và sự phân rã thuộc về vật chất.

Đường chân trời và “ánh sáng”

Nhu cầu của Trái đất và mọi cư dân của nó là nhân tố cơ bản mang lại ý nghĩa và mục đích cho tương tác theo chu kỳ của các lực mặt trời và mặt trăng. Mặt trăng là đầy tớ của trái đất, trong đó, nàng cung cấp cho các sinh vật trên trái đất các cấu trúc hữu cơ (cả về sinh học và tâm lý) mà họ cần để hấp thụ ánh sáng mặt trời (đồng hóa bản thân với nguồn sáng tạo). Và bản thân Mặt trời, trong quan hệ với vòng hoàng đạo (tức với vòng quay quỹ đạo của Trái đất), có ý nghĩa cũng vì nguồn sức mạnh mà chàng phát ra, vì lợi ích của Trái đất.

Vì thế, Trái đất là nền tảng cho hoạt động trăng-trời. Và trong lá số cá nhân, nền tảng này chính là đường chân trời, nối điểm AC (Đông) và DC (Tây). Vị trí của Mặt trời và Mặt trăng trong tương quan với đường chân trời, do đó, cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong mọi vấn đề liên quan đến sự sống và khả năng trải nghiệm, cảm nhận cơ bản của con người, như một thực thể hữu cơ. Đổi lại, năng lực này chính là khả năng bộc lộ ra cái mà ngày nay ta gọi là “cá tính”, cũng như khả năng tận hưởng hạnh phúc thể hiện bởi mỗi con người.

Có bốn tổ hợp đường chân trời, Mặt trời và Mặt trăng cơ bản như sau: 

1. Mặt trời ở trên đường chân trời, Mặt trăng ở dưới:

Đường chân trời là trục ý thức, chia tách khu vực chủ quan của cá nhân (trái đất rắn chắc) khỏi thế giới khách quan của xã hội và tập thể (bầu trời trên kia). Do đó, trong tổ hợp trăng-trời đầu tiên này, cuộc sống của con người chủ yếu diễn ra qua các cấu trúc bên trong và cá nhân (Mặt trăng), hé lộ một mục đích tập thể, bao trùm lên toàn chủng tộc hoặc xã hội (Mặt trời). Trong suốt cuộc đời của mình, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng, người này sẽ có xu hướng thể hiện các mục tiêu, lý tưởng tập thể bằng hình thức cá nhân.

Ví dụ: Napoleon I, Nietzsche, Walt Whitman, Einstein, Henry Ford.

2. Mặt trời ở dưới, Mặt trăng ở trên đường chân trời:

Trong trường hợp này, cá nhân chủ yếu sống cuộc đời mình để thể hiện dự định, ý chí chủ quan trước bàn dân thiên hạ. Tương tự trường hợp đầu tiên, ở đây, ta nhận thấy đích xác tính hai mặt của ý thức. Nó có thể tạo sự cân bằng, trong đó cuộc sống bên trong và bên ngoài hợp tác nhịp nhàng với nhau. Tuy nhiên, nó cũng có thể chỉ ra xung đột tâm lý cơ bản giữa năng lượng “Mặt trăng” và “Mặt trời”, giữa mục đích của tinh thần và ham muốn cá nhân.

Ví dụ: F. D. Roosevelt, Count Hermann Keyserling, Wendell Wilkie, George Bernard Shaw, Luther Burbank.

3. Mặt trăng và Mặt trời ở trên đường chân trời: 

Trọng tâm chính trong đời là thế giới bên ngoài. Cả mục đích thiết yếu và các đặc tính tâm-sinh lý đặc trưng của cá nhân đều dồn về các tư tưởng chủng tộc, văn hóa, xã hội hoặc giá trị tinh thần chung.

Ví dụ: Washington, Gandhi, Mussolini, Karl Marx, Czar Nicholas II, Richard Wagner.

4. Mặt trời và Mặt trăng ở dưới đường chân trời: 

Trong trường hợp này, cuộc đời của cá nhân lấy bản thân, bên trong mình làm trung tâm, chủ yếu nhằm thỏa mãn ý chí và mục đích cá nhân, phần lớn thông qua các cấu trúc hành vi, tư tưởng và cảm xúc của cá nhân. Điều này có thể dẫn tới xu hướng hướng nội, lấy bản thân làm trung tâm, hoặc sự độc đáo, sáng tạo.

Ví dụ: Cromwell, Robespierre, Chopin, Liszt, Pope Pius XII, Lenin, Stalin.

Một cách khác để diễn giải vị trí của Mặt trời và Mặt trăng trong tương quan với đường chân trời là tìm hiểu “Part of Fortune”, chỉ số biểu thị khả năng cá nhân đạt được niềm hạnh phúc, dễ dàng trong mối quan hệ, và kết quả là, thành công trong xã hội. Part of Fortune nằm tại cung nào trên lá số phụ thuộc vào các pha của Mặt trăng, và vì vậy, vào mối quan hệ góc giữa Mặt trời và Mặt trăng. Vào nửa đầu tháng (lúc Mặt trăng tròn dần), Fortuna nằm dưới đường chân trời; và khi Mặt trăng giảm sáng/khuyết dần (cuối tháng), Fortuna sẽ nằm trên đường chân trời.

Advertisement

2 thoughts on “Mặt trời và Mặt trăng – ánh sáng và sự sống”

  1. […] Mặt trăng là yếu tố lớn thứ hai có ảnh hưởng sâu rộng trong bản đồ sao (sau mặt trời). Do đó, những hoạt động của ta vẫn thường chịu ảnh hưởng/chịu sự chi phối bởi nhu cầu từ hai thiên thể này. Mình đã dự định viết bài này từ sớm, vì bản thân mình hoạt động theo chu kì mặt trời và mặt trăng một cách chặt chẽ, nhưng chưa đủ động lực. May mắn nhờ chiếc bài dịch xịn sò từ người chị iu quý, mình liên có thể ngay lập tức thực hiện ý tưởng, link bài dịch của chị Kit về Mặt Trời và Mặt Trăng: https://letsgethome.wordpress.com/2018/07/09/mat-troi-va-mat-trang-anh-sang-va-su-song/?fbclid=IwAR0&#8230; […]

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s